Theo tìm hiểu được biết, cuối năm 2014 đến hết năm 2015, việc giao dịch BĐS nhộn nhịp đã đưa giá đất tại Phú Quốc tăng cao hơn từ 2 - 4 lần so với thời điểm trước, khiến cho nhiều nhà đầu tư chùn tay trong năm 2016.
Thật ra, trước đó nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) đã tìm đến Phú Quốc bởi nơi này có lợi thế địa hình đồi núi bao quanh là biển cả. Giao thông bằng đường hàng không từ Tp.HCM đến Phú Quốc chưa đến 1 giờ bay. Tuy nhiên, đến khi có thông tin đảo ngọc sẽ trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi sẽ được ban hành trong tương lai thì đất đai ở Phú Quốc bất chợt nóng lên.
Đón đầu cơ hội "vàng" này, cách đó vài năm, nhiều nhà đầu tư là cá nhân, doanh nghiệp đã ồ ạt đến đây mua đất. Theo con số thông kê chưa chính thức thì có đến 80% nhà đầu tư đến từ Hà Nội mua đất ở Phú Quốc. Giá đất ven biển ở xã đảo Hòn Thơm từ vài chục triệu đồng/ha trong năm 2015 đã tăng lên đến hàng trăm triệu đồng/ha.
Thế nhưng, trở lại Phú Quốc sau một năm, kể từ "đỉnh" của cơn sốt đất vào giữa năm 2015, nhiều nhà đầu tư tại đảo này nhận định, giao dịch nhà đất nhỏ lẻ ở Phú Quốc bắt đầu giảm nhiệt, chỉ sôi động ở mảng các nhà đầu tư thực hiên góp vốn hoặc M&A các dự án có quy mô lớn.
Trên thực tế, những khu đất có diện tích lớn, đặc biệt là chạy dọc theo bờ biển hầu như đã về tay nhiều đại gia BĐS từ các năm trước đây, giờ chỉ là đến bao giờ họ triển khai dự án. Với những khu đất có diện tích nhỏ từ 100-500m2, cách bờ biển khoảng 3-5km hiện cũng không còn cảnh treo biển rao bán, mà thay vào đó là một số dự án nhà nghỉ, khách sạn 1-2 sao bắt đầu mọc lên.
Có mặt tại một số sàn giao dịch, PV chứng kiến không còn cảnh hàng dài xe hơi có biển số từ nhiều tỉnh - thành khác đến chờ tìm hiểu thông tin nhà đất. Nhân viên các sàn môi giới ngay trung tâm thị trần Dương Đông giờ "ngồi chơi xơi nước" nhiều hơn, họ dành thời gian để rao thông tin nhà đất nhỏ lẻ trên các trang mạng xã hội.
Theo anh Phan Hải Sâm, giám đốc sàn môi giới Đảo Ngọc Xanh, có trụ sở đặt tại đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, nhà đầu tư trong vai khách du lịch giờ đến đảo cũng ít quan tâm đến việc mua đất do những khu đất đẹp trên đảo hầu như không còn. Một số khu đất vẫn treo bảng rao bán nhưng cả năm qua cũng chưa bán được, lý do một phần bởi diện tích đất nhỏ và nằm cách xa bờ biển. Một số đại gia "ôm" đất ký gửi tại các sàn môi giới để tìm người chuyển nhượng nhưng giá cao, từ 20-30 triệu/m2, nên rất khó có người mua lại.
Song, ở mảng BĐS nghỉ dưỡng thì Phú Quốc vẫn là điểm đến của nhiều "ông lớn" BĐS. Một nghiên cứu của Savills Việt Nam cho thấy, mặc dù phát triển muộn hơn nhưng thị trường Phú Quốc được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nguồn cung khách sạn 5 sao tuy còn khá hạn chế trong giai đoạn hiện tại nhưng đã thu hút rất nhiều các khoản vốn đầu tư lớn. Nhiều dự án 5 sao được phát triển trong giai đoạn 2016-2017 như: Crowne Plaza Hotel, Sonasea Villas & Resort, Novotel Resort và Sunset Sanato Premium Complex.
Những dự án này đều được phát triển theo tiêu chuẩn phòng và dịch vụ của các thương hiệu khách sạn quốc tế như JW Marriott, InterContinental, Starwood và Accor. Rất nhiều các dự án nghỉ dưỡng mở bán sản phẩm biệt thự ven biển cao cấp, được quản lý bới các thương hiệu quốc tế và đi kèm chương trình cho thuê lại. Mức lợi nhuận cho thuê được các chủ đầu tư cam kết trong thời hạn 3-10 năm là 6-10%/năm.
Được biết, tình hình kinh doanh của loại hình này khá khả quan nhờ thu hút được sự quan tâm của các người mua trong nước lẫn nước ngoài đang tìm kiếm một kênh đầu tư ổn định và tiềm năng. Các căn biệt thự này có giá dao động từ 400 ngàn đến hơn 5 triệu USD.
Qua khảo sát một số dự án biệt thự biển của các ông lớn như Vingroup, CEO, Sun Group hay BIM cho thấy, hầu như sản phẩm nào được tung ra thị trường đều được khách hàng mua ngay. Mục đích chính vẫn là mua để đầu tư và cho thuê trong thời gian tới.
Xem thêm:
Khu đô thị Sing Việt sắp thoát cảnh dự án 'treo'
Hội thảo "Kiến thức cho người xây nhà" lần 5