Dự toán là gì? Cần lập dự toán cho các hạng mục nào?
Chắc hẳn những ai đã, đang và chuẩn bị xây ngôi nhà mơ ước của mình đều đã trải qua quá trình tìm hiểu Dự toán là gì. Dự toán trong lĩnh vực xây dựng chắc hẳn luôn là một khái niệm khá khó hiểu với những ai không làm trong ngành nghề này. Tuy nhiên bạn chỉ cần dành ra một chút thời gian để đọc đã có thể biết được dự toán là gì? Các hạng mục cần lập dự toán bao gồm những gì? Mục đích của việc lập dự toán?...
Dự toán là gì?
Dự toán là dự báo trước về chi phí, nhân lực… cho công trình
Dự toán là việc đưa ra các dự tính về mặt số liệu liên quan đến các công việc phải làm sắp tới. Các con số được tính toán trước để có kế hoạch làm việc, chuẩn bị chu đáo các hạng mục cần xây dựng. Cơ sở tính toán phải được dựa vào các tiêu chuẩn, số liệu thực tế đã làm từ trước. Đây được coi là căn cứ để đưa ra các con số dự tính phù hợp nhất. Người làm dự toán thường sẽ phải đưa ra một bảng số liệu cụ thể trong đó phải thể hiện được số lượng, giá trị, thời gian để hoàn thành các hạng mục…
Khái niệm dự toán hiện nay chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng. Thông thường, khi một công trình bắt tay vào xây dựng, công việc đầu tiên cần làm đó chính là lập dự toán hoặc lập kế hoạch xây dựng cụ thể. Ở giai đoạn chuẩn bị này, các nhà đầu tư sẽ phải tính toán được sơ lược tổng giá trị sẽ phải bỏ ra dựa trên các tiêu chí chuẩn mực, sau đó tiếp tục đưa ra các dự toán cụ thể cho từng hạng mục riêng.
Mục đích của việc lập dự toán
- Giúp nhà đầu tư dự tính trước được các khoản chi phí sẽ phải bỏ ra cho các hạng mục xây dựng. Bạn có thể chuẩn bị sẵn vốn hoặc có kế hoạch huy động vốn nếu cần để không làm gián đoạn việc thi công công trình trong sau này.
- Khi đã có dự toán chi phí hợp lý, các nhà đầu tư sẽ có căn cứ chính xác để xem xét phí tổn, giá trị thực của các công trình được xây dựng lấy từ đâu. Đây cũng được coi là một tài liệu quan trọng cần phải được lưu trữ cẩn thận trong hồ sơ sau này để quyết toán toàn bộ công trình giữa nhà đầu tư và nhà thầu.
- Căn cứ vào các con số đã được dự tính trước, nhà đầu tư sẽ có được kế hoạch đầu tư chi phí, cung cấp cho ngân hàng các số liệu thực tế công trình để ngân hàng có thể tiến hành chu cấp vốn nếu nhà đầu tư cần vay.
Dự toán giúp chủ đầu tư chuẩn bị trước về vốn, nhân sự
- Đây là cơ sở để tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật, so sánh và lựa chọn các phương án thiết kế xây dựng cho công trình sao cho đảm bảo chất lượng và tiết kiệm chi phí.
- Dự toán là cơ sở để ký kết hợp đồng giao nhận giữa nhà thầu các hạng mục với chủ đầu tư cũng như căn cứ của các nhà thầu sau này để quyết toán công trình sau khi thi công xong.
Các hạng mục cần lập dự toán
Trong một công trình, việc lập dự toán đòi hỏi người làm phải liệt kê được chi tiết các hạng mục cần phải có dự tính trước về mặt chi phí. Sau đó mới tiến hành đi sâu vào từng hạng mục cụ thể. Các hạng mục cần phải được lập dự toán trước gồm:
- Các công tác chuẩn bị như san lấp mặt bằng, thiết kế bản vẽ thi công…
- Dự toán khối lượng
- Đơn giá
- Giá vật liệu xây dựng
- Lương nhân công
- Giá thuê ca máy
- Tổng hợp kinh phí và các hệ số đi kèm
Nguyên tắc xác định dự toán
Người lập dự toán cần phải tuân theo các nguyên tắc như sau:
- Tính đúng, tính đủ, không để tình trạng trùng lặp chi phí
- Các nội dung dự toán phải phù hợp, tuân theo quy định của nhà nước
- Làm đầy đủ các hạng mục, không thiếu sót.
- Lập giá theo mặt bằng chung tại thời điểm dự toán được đưa ra.
Các yêu cầu đối với người làm dự toán
Bên cạnh các kỹ năng cơ bản như là đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật, các điều kiện thi công… thì người lập dự toán phải là người có khả năng nắm bắt nhanh các quy định, chính sách về xây dựng của nhà nước tại nơi họ làm việc. Các luật này đều được ban hành rộng rãi nên cần hiểu rõ và đưa vào ứng dụng trong dự toán sao cho chính xác.
Vậy dự toán là khái niệm phổ biến trong xây dựng nhằm giúp các chủ đầu tư có cơ sở để tiến hành chuẩn bị vốn, nhân lực,... cho công trình của họ. Lập dự toán chính là cách dự báo sớm về chi phí, nhân công, thời gian… để hoàn thiện một công trình.