Thương mại điện tử là gì? Các mô hình phát triển của thương mại điện tử
Thương mại điện tử là gì có lẽ sẽ là câu hỏi được nhiều bạn thắc mắc hiện nay, khi mà các thiết bị công nghệ ngày càng phát triển và trở nên quá quen thuộc với tất cả mọi người. IMUABANBDS giới thiệu đến bạn bài viết sau với nội dung giải thích chi tiết nhất, đầy đủ nhất cho câu hỏi thương mại điện tử là gì? Quá trình lịch sử phát triển và những điều cần biết liên quan đến thương mại điện tử.
Theo định nghĩa của tổ chức WTO, thương mại điện tử là một cụm từ dùng để chỉ quá trình sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán/giao hàng hóa và các dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử. Hay có thể nói, hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hay toàn bộ quy trình mua bán thông qua phương tiện điện tử được kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hay các mạng mở khác.
Có thể hiểu theo một nghĩa rộng hơn thì bất cứ một hoạt động mua bán nào được thực hiện trên các phương tiện điện tử thì đều được xem là thương mại điện tử. Tuy nhiên, đối với nhiều người dùng hiện nay, thương mại điện tử lại được hiểu theo một nghĩa khá đơn giản, thương mại điện tử là hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa và các dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử và internet.
Thương mại điện tử đang dần trở thành một cuộc cách mạng làm thay đổi hoàn toàn cách thức mua sắm của con người trong tương lai. Thương mại điện tử không chỉ diễn ra cho mua bán hàng hóa (áo quần, đồ gia dụng), mà nó còn diễn ra cho các hoạt động dịch vụ thương mại và truyền thống như dịch vụ pháp lý, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục,…
Hình minh họa: Thương mại điện tử đang dần trở thành một cuộc cách mạng làm thay đổi hoàn toàn cách thức mua sắm
Lịch sử phát triển của thương mại điện tử
Lịch sử thương mại điện tử được bắt đầu từ rất lâu, khoảng 50 năm trước. Cụ thể, tổng quan các mốc lịch sử về thương mại điện tử như sau:
- Năm 1969: Công ty CompuServe được thành lập. ComuServe đã giới thiệu email và internet sớm nhất tới công chúng và đã tiếp tục thống trị thị trường thương mại điện tử trong suốt nhiều năm sau đó.
- Năm 1979: Michael Aldrich phát minh ra mua sắm điện tử, là công nghệ nền tảng để xây dựng ra thương mại điện tử hiện đại.
- Năm 1982: Sàn giao dịch máy tính Boston Computer Exchange - công ty thương mại điện tử đầu tiên trên thế giới được ra mắt.
- Năm 1992: Book Stacks Unlimited ra mắt thị trường sách trực tuyến đầu tiên trên thế giới.
- Năm 1994: Netscape Navigator được giới thiệu dưới dạng trình duyệt web. Netscape Navigator là trình duyệt web được sử dụng chủ yếu trên nền tảng Windows trước khi xuất hiện của những người khổng lồ như Google, Firefox,…
- Năm 1995: Hai công ty Amazon và Ebay ra mắt. Hai cửa hàng thương mại điện tử bán hàng khổng lồ cho phép người tiêu dùng bán/mua trực tuyến cho khách hàng trên toàn cầu.
- Năm 1998: PayPal – công cụ chuyển tiền được ra mắt như một hệ thống thanh toán thương mại điện tử đầu tiên.
- Năm 1999: Alibaba ra mắt. Đây là một thị trường trực tuyến được tài trợ hơn 25 triệu đô la. Sau đó, nó tích hợp thêm các nền tảng tảng như B2B, C2C, B2C và được sử dụng rộng rãi cho đến ngày hôm nay.
Ưu điểm của thương mại điện tử
Thương mại điện tử có rất nhiều ưu điểm. Cụ thể như sau:
Đáp ứng nhu cầu ở mọi lúc mọi nơi
Ngày nay, con người đã có thể mua hàng ở mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet, bạn có thể mua bất cứ thứ gì chỉ với vài cú nhấp chuột.
Đáp ứng tức thời
Một nhược điểm của thương mại điện tử so với hình thức mua hàng truyền thống là khách hàng phải chờ vài ngày mới có thể nhận được hàng. Tuy nhiên, các công ty thương mại điện tử đã hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này thông qua các chi nhánh địa phương. Cụ thể, các trang thương mại điện tử gửi yêu cầu của khách hàng tới cửa hàng gần nhất với địa chỉ nhận hàng của khách hàng ngay sau khi nhận được đơn đặt hàng. Giải pháp này khá hữu ích vì nó vừa làm giảm được giá vận chuyển hàng hóa vừa rút ngắn được thời gian nhận hàng. Vì vậy, khách hàng hiện nay đã có thể nhận hàng ngay trong ngày sau khi đặt hàng qua các trang thương mại điện tử.
Tính cá nhân hóa
Các trang thương mại điện tử có thể phân biệt được khách hàng của họ thông qua những thói quen của khách hàng. Những trang web thương mại điện tử có nhiều người dùng nhất sẽ là những trang web có thể cung cấp tính cá nhân hóa cao và nâng cao sự tương tác cho khách hàng. Ví dụ, các trang web sẽ sử dụng dữ liệu về thói quen nhấn chuột của khách hàng để từ đó tạo ra những danh mục động trên lối nhấp chuột của họ.
Giá cả linh hoạt
Mua hàng trên các trang thương mại điện tử, người mua có thể dễ dàng so sánh giá của cùng 1 sản phẩm. Ngoài ra, người mua còn có thể tránh mua hớ, mua lỗi khi có thể tham khảo giá, nhận xét từ những bình luận ở dưới mỗi sản phẩm.
Chi phí hoạt động thấp
Không phải mất nhiều chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên, các nhà bán lẻ thương mại điện tử vẫn có thể ra mắt các cửa hàng với chi phí vận hành thấp nhất.
Hình minh họa: Thương mại điện tử có rất nhiều ưu điểm
Những khó khăn và thách thức cho thương mại điện tử
- Chưa có được nhiều sự tin tưởng: Các nền tảng thanh toán hiện nay đã vô cùng an toàn nhưng người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng.
- Không thể nhìn tận mắt, sờ tận tay sản phẩm: Người mua hàng phần lớn đều thích xem, chạm hoặc trải nghiệm sản phẩm trước khi mua. Nhưng trên các trang thương mại điện tử, họ chỉ có thể nhìn ảnh và xem mô tả sản phẩm.
- Yêu cầu phải có kết nối Internet: Tất cả giao dịch thương mại điện tử phải có kết nối Internet, tuy nhiên, nhiều vùng hiện nay vẫn còn hạn chế kết nối Internet.
- Có nhiều đối thủ cạnh tranh: Khoản kinh phí đầu tư để bắt đầu kinh doanh thương mại điện tử rất thấp, chính vì vậy, bạn phải đối mặt với rất nhiều đối thủ cạnh tranh cùng ngành.
Những vai trò quan trọng của thương mại điện tử
Đưa thương hiệu cửa hàng đến gần với khách hàng hơn.
Sự phát triển của thương mại điện tử đã đưa thương hiệu của rất nhiều cửa hàng bán lẻ đến gần hơn với người tiêu dùng, cũng như mang đến cho cửa hàng lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, thương mại điện tử lại làm gia tăng mức độ cạnh tranh của các cửa hàng bán lẻ ở tầng lớp cao hơn. Ví như khi Amazon trở thành nơi cung sản phẩm cho người tiêu dùng thì rất nhiều doanh thu chuỗi siêu thị giảm mạnh.
Bán hàng trực tiếp cho khách hàng và có thêm cơ hội tìm kiếm khách hàng mới
Các doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng cũ và mới thông qua thương mại điện tử. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng dễ dàng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng thích mua sắm trực tuyến hay mua sắm trên thiết bị di dộng.
Tạo ra được nhiều hơn số lượng công việc mới
Trong vòng 5 năm qua, các công việc liên quan đến thương mại điện tử đã tăng gấp đôi, vượt xa so với các loại hình bán lẻ khác. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là công việc bán lẻ truyền thống lại bị giảm bớt, làm nhiều người bị thất nghiệp.
Nâng cao trải nghiệm khách hàng
Nhờ vào sự trợ giúp của tự động hóa và thu thập hồ sơ khách hàng, người mua hàng sẽ được cung cấp trải nghiệm trực tuyến với mức cá nhân hóa cao. Các sản phẩm được hiển thị sẽ có liên quan đến hành vi mua hàng trong quá khứ.
Hình minh họa: Thương mại điện tử nắm giữ vai trò quan trọng
Các mô hình thương mại điện tử
Hiện nay, có bốn mô hình thương mại điện tử phổ biến nhất, đó là: B2B (kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp), C2C (kết nối người tiêu dùng với người tiêu dùng), B2C (kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng), C2B (kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp).
B2B: Kết nối Doanh nghiệp với doanh nghiệp
Mô hình này liên quan đến doanh thu được tạo ra giữa các doanh nghiệp, ví như giữa nhà sản xuất với các nhà buôn hoặc các nhà bán lẻ. Thông thường, bán hàng từ doanh nghiệp với doanh nghiệp thường sẽ tập trung vào phần nguyên liệu thô hoặc các sản phẩm được đóng gói hay kết hợp trước khi bán đến khách hàng.
C2C: Kết nối Người tiêu dùng với người tiêu dùng
Đây là mô hình thương mại điện tử sớm nhất, thể hiện các mối quan hệ giữa khách hàng với khách hàng.
B2C: Kết nối Doanh nghiệp với người tiêu dùng
Mô hình này bao gồm các giao dịch được thực hiện giữa một doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây là mô hình bán hàng được sử dụng rộng rãi nhất ngày nay. Ví dụ, khi bạn mua áo quần từ một nhà bán lẻ áo quần trực tuyến, đó là một giao dịch giữa một doanh nghiệp với người tiêu dùng.
C2B: Kết nối Người tiêu dùng đến doanh nghiệp
Mô hình này làm đảo ngược dịch vụ thương mại điện tử truyền thống. Lúc này, người tiêu dùng cá nhân sẽ tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ và doanh nghiệp sẽ là người mua nó. Một ví dụ về mô hình này là iStockPhoto, trong đó doanh nghiệp sẽ mua trực tiếp các bức ảnh nằm sẵn trên đó từ các nhiếp ảnh gia khác nhau.
Hình minh họa: Có bốn mô hình thương mại điện tử phổ biến nhất
Cách bắt đầu một doanh nghiệp Thương mại điện tử
- Chọn và tìm nguồn cung cấp sản phẩm: Quyết định bán sản phẩm gì là bước đầu tiên để bắt đầu một doanh nghiệp thương mại điện tử. Đây là công việc khó khăn nên bạn phải căn nhắc nghiêm túc. Một sản phẩm mang đến lợi nhuận tốt sẽ giúp bạn mở rộng quy mô kinh doanh trong tương lai và mang lại nguồn thu nhập luôn tăng trưởng qua các năm.
- Nghiên cứu và xây dựng kế hoạch: Dựa trên sản phẩm dự kiến bán, bạn tiến hành nghiên cứu thị trường như mức độ cạnh tranh, chọn chiến lược giá, khẳng định giá trị bản thân….Từ đó, bạn phác thảo ra một kế hoạch kinh doanh với dự kiến mức độ tăng trưởng, các mối đe dọa, nguy cơ cần cảnh giác.
- Nhận diện thương hiệu: Xác định đâu là yếu tố chính của cửa hàng bạn. Đó có phải là tên thương hiệu, tên miền, hay nguyên tắc thương hiệu và biểu tượng logo. Một thương hiệu ấn tượng có thể giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và dễ dàng chinh phục khách hàng tiềm năng. Bạn cũng nên dành một chút thời gian nghiên cứu những điều cơ bản của SEO để doanh nghiệp của bạn có một khởi đầu tốt đẹp.
- Quyết định cách thức bán: Nên xây dựng một cửa hàng thương mại điện tử từ đầu hay sử dụng giải pháp Thương mại điện tử không có sẵn như Shopify là tùy thuộc vào sản phẩm bạn bán, kế hoạch và mục tiêu trong tương lai của bạn như đã trình bày ở trên.
Thực trạng thương mại điện tử ở Việt Nam
Theo một nghiên cứu của trung tâm kinh doanh toàn cầu Đại học Tufts (Mỹ), về tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 48 trên 60 quốc gia, về mức độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 22 trên 60 quốc gia. Vì vậy, Việt Nam có nhiều cơ hội để lĩnh vực thương mại điện tử phát triển nhanh và xa hơn nữa.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán là sẽ bùng nổ trong thời gian tới khi mà tại Việt Nam có đến 53% dân số sử dụng internet và 50 triệu người sử dụng smartphone. Điều này cũng được khẳng định trong Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2018 của hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã đưa ra, tốc độ tăng trường của năm 2017 tăng 25% so với năm 2016, tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%.
Cũng theo báo cáo từ NAPAS (Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam), số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa năm 2017 so với 2016 tăng khoảng 50%, giá trị giao dịch tăng tới 75%. Dự đoán năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt đến 10 tỷ USD.
Cũng theo thống kê của iPrice, Việt Nam nắm bắt hầu hết các xu hướng của thế giới, có tổng lượng truy cập mua sắm trực tuyến trên thiết bị di động tăng 26% trong năm 2017. Số người tiêu dùng chọn mua online cũng tăng gấp ba lần so với năm 2016.
Trong những năm gần đây, Việt Nam thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử như Alibaba ký thỏa thuận Alipay hợp tác chiến lược với Napas, Tencent đầu tư cho Shopee 500tr đô la….
Năm 2020, Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 30% dân số mua sắm online, đạt khoảng 350 USD/người. Thương mại điện tử trên nền tảng di động và Thương mại điện tử định vị tiếp tục là xu hướng chủ đạo của thế giới. Giá cả, sự trải nghiệm, yêu cầu chất lượng sản phẩm và dịch vụ,… sẽ là những yếu tố quan trọng thu hút người mua hàng trên các trang thương mại điện tử.
Hình minh họa: Dự báo doanh thu thương mại điện tử 2020
Những trang thương mại điện tử lớn và phổ biến nhất hiện nay
Amazon
Amazon là trang điện tử hàng đầu thế giới hiện nay và có mặt tại rất nhiều các quốc gia như Đức, Anh, Tây Ban Nha. Trụ sở Amazon đặt tại Mỹ. Lúc khởi đầu, Amazon chỉ là một trang web bán sách nhưng đến nay, danh sách mặt hàng Amazon rất phong phú, đa dạng.
Hình minh họa: Amazon là trang điện tử hàng đầu thế giới hiện nay
Ebay
Ebay được xem như là một chợ trực tuyến khổng lồ. Ebay có rất nhiều mặt hàng, sản phẩm với xuất xứ từ khắp mọi nơi trên thế giới. Điều khác biệt của Ebay so với các đối thủ cạnh tranh là cung cấp hình thức đấu giá giữa những người mua.
Hình minh họa: Ebay được xem như là một chợ trực tuyến khổng lồ
Alibaba
Alibaba cũng là trang thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới, được sáng lập bởi Jack Ma năm 1999. Đây là trang thương mại điện tử điển hình cho mô hình B2B, giúp kết nối các doanh nghiệp với nhau, thay vì kết nối khách hàng với doanh nghiệp.
Hình minh họa: Alibaba cũng là trang thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới
Hiện nay, tại Việt Nam cũng có một số trang thương mại điện tử nổi tiếng, được nhiều người biết đến như Shopee, Tiki, Sendo, …
Tóm lại
Thương mại điện tử chính là xu hướng trong tương lai. Việc hiểu rõ khái niệm thương mại điện tử là gì và các vấn đề liên quan sẽ là nền tảng quan trọng để mỗi người có thể phát triển và thành công hơn trong cuộc sống.
IMUABANBDS hy vọng qua bài viết trên, các bạn đã có thêm được nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng lĩnh vực thương mại điện tử trong công việc của mình như mua bán hàng hóa, mua bán nhà đất, mua bán căn hộ, mua bán đất nền,….